Trong số các loài vi khuẩn thì liên cầu khuẩn (Streptococcus) là loài đặc biệt yêu thích trái tim, là nguyên nhân chủ yếu gây ra thấp tim và viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.
Thấp tim
Thấp tim là nguyên nhân phổ biến gây bệnh van tim, liên quan đến việc nhiễm vi khuẩn gọi là liên cầu khuẩn nhóm A. Đây là tình trạng liên cầu khuẩn nhiễm ở họng, gây viêm họng, sau đó xâm nhập đến tim, gây tổn thương van tim. Tuy nhiên, không phải mọi bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn đều dẫn tới thấp tim, mà chỉ có khoảng 3% số bệnh nhân bị viêm đường hô hấp trên do liên cầu khuẩn nhóm A do không được điều trị triệt để nên tiến triển thành thấp tim. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh, thường là 5 – 15 tuổi, đôi khi nhỏ hơn. Có khoảng phân nửa số bệnh nhân đã bị thấp tim sẽ tái phát các đợt thấp tim sau đó. (Sau khi viêm họng, trong cơ thể xuất hiện kháng thể chống lại liên cầu khuẩn. Chính kháng thể này lại phá huỷ mô nội mạc tim và cơ tim, gây bệnh ở tim.)
Viêm họng thường xảy ra vào mùa lạnh, mùa mưa, trong đó 30% trường hợp do liên cầu khuẩn nhóm A gây ra (còn lại do virút). Loại viêm họng này khởi phát đột ngột với triệu chứng sốt, đau họng, nuốt đau, không sổ mũi. Khoảng hai đến ba tuần sau viêm họng, bệnh nhân bị viêm khớp, tập trung ở những khớp lớn như đầu gối, khuỷu tay, cổ chân và di chuyển nhanh từ khớp này sang khớp khác. Sau năm đến bảy ngày, khớp hết đau dù không điều trị gì, không để lại di chứng. Sau khi viêm họng, trong cơ thể xuất hiện kháng thể chống lại liên cầu khuẩn. Chính kháng thể này lại phá huỷ mô nội mạc tim và cơ tim, gây bệnh ở tim.
Vấn đề nguy hiểm nhất của thấp tim là các biến chứng cấp và đặc biệt là hậu quả mạn tính. Trong giai đoạn cấp, thấp tim có thể gây viêm cơ tim cấp, rối loạn nhịp… có thể kèm các triệu chứng khác ở da, khớp, thần kinh; nặng hơn là khiến bệnh nhân tử vong. Về lâu về dài thì gây tổn thương van tim (các lá van dày lên, xơ cứng, vôi hoá; các mép van có thể bị dày, dính) đưa đến bệnh van tim do thấp, thường là hẹp van hai lá (trên 90% trường hợp hẹp van hai lá là do thấp tim), hở van động mạch chủ… Tổn thương van tim do thấp nếu nặng cần phẫu thuật thay van tim nhân tạo.
Hiện nay, thấp tim và bệnh van tim do thấp ít gặp ở các nước phát triển, nhưng ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, vẫn là một vấn đề đáng quan tâm. Những yếu tố thuận lợi dẫn tới thấp tim là cơ địa người bệnh, vệ sinh không tốt, điều trị không đầy đủ. Vì vậy, để phòng ngừa, cần vệ sinh răng, họng, miệng hàng ngày, tránh không để trẻ mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên như viêm họng, viêm mũi, viêm amiđan, VA, viêm xoang. Khi phát hiện trẻ bị viêm đường hô hấp do liên cầu khuẩn nhóm A, cần tích cực điều trị theo toa bác sĩ (dùng kháng sinh để loại trừ ngay sự nhiễm liên cầu khuẩn). Việc điều trị kịp thời và hợp lý giúp ngăn ngừa liên cầu khuẩn xâm nhập tim gây thấp tim. Nếu đã bị thấp tim, cần tuân thủ triệt để theo chương trình “phòng thấp cấp 2” được bác sĩ áp dụng (tiêm kháng sinh mỗi ba tuần một lần, kéo dài đến 40 tuổi hoặc lâu hơn, sớm hơn tuỳ trường hợp). Những bệnh nhân đã được phẫu thuật tim do thấp tim vẫn có nguy cơ tái phát nên cũng cần phòng thấp.
Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn
Nội tâm mạc là lớp mô bao phủ thành trong của các buồng tim và van tim. Khi vi khuẩn, nấm hoặc các vi sinh vật theo dòng máu đến lớp nội tâm mạc này và “làm tổ” ở đây thì sẽ gây viêm nhiễm, tạo ra các sang thương. Bởi vì nguyên nhân gây bệnh thường là vi khuẩn (liên cầu khuẩn chiếm khoảng 60%, tụ cầu khuẩn chiếm khoảng 25%…) nên bệnh lý này được gọi là viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.
Biểu hiện của viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn thường là sốt kéo dài, khó thở, yếu cơ, đau ngực, đau khớp… Tổn thương tại van tim thường là loét và sùi, gây biến dạng lá van, tổn thương cấu trúc và chức năng của van tim. Đây là bệnh rất nặng, nếu không phát hiện và điều trị sớm có thể gây ra suy tim, các biến chứng nặng nề, dẫn đến tử vong. Hầu hết các trường hợp bệnh được điều trị với kháng sinh. Ngoài ra, điều trị ngoại khoa được đưa ra trong một số trường hợp cần thiết như suy tim không khống chế được do tổn thương van tim, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn trên bệnh nhân có van tim nhân tạo làm van không ổn định, mảnh sùi to có nguy cơ cao gây tắc mạch… Mục đích cơ bản của điều trị ngoại khoa là lấy đi những mảnh sùi hoặc hoại tử mà không thể điều trị nội khoa được, sửa hoặc thay van tim bị tổn thương.
Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn gặp ở nam giới nhiều gấp hai lần nữ giới và hiếm khi gặp ở những người khoẻ mạnh, có van tim bình thường. Bệnh thường gặp ở người có tình trạng nhiễm trùng không được điều trị, tiêm chích ma tuý, có bệnh lý tim mạch. Những tình trạng tim mạch khiến bệnh nhân tăng nguy cơ bị viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn là bệnh nhân đã được thay van tim nhân tạo, kể cả van cơ học lẫn van sinh học, bệnh nhân mắc bệnh tim bẩm sinh, bệnh nhân có bệnh lý van tim mắc phải hoặc van tim hậu thấp, bệnh nhân cơ tim phì đại, bệnh nhân bị sa lá van hai lá gây hở van hai lá… Bệnh nhân có nguy cơ cao mắc bệnh cần giữ vệ sinh răng miệng tốt; đến nha sĩ kiểm tra thường xuyên; tránh những thủ thuật xâm lấn không cần thiết như tiêm chích ma tuý, xăm mình; khám bác sĩ ngay khi có vết thương hoặc dấu hiệu nhiễm trùng… Ngoài ra, những bệnh nhân này cần được phòng ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn khi làm thủ thuật hoặc phẫu thuật. Để phòng ngừa, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân sử dụng kháng sinh trước khi được phẫu thuật hoặc được làm các thủ thuật (phẫu thuật trên mô nhiễm trùng, đường tiết niệu, tiêu hoá, hô hấp, can thiệp tim mạch như nong van, thông tim… hoặc những thủ thuật có nguy cơ đưa vi khuẩn vào dòng máu) và trường hợp thường gặp nhất là điều trị răng (nhổ răng, lấy cao răng…)
BS.CK1 NGÔ BẢO KHOA