Đan sâm
Đan sâm (Salvia multiorrhiza) còn gọi là Huyền sâm, Xích sâm. Theo tài liệu cổ, Đan sâm có vị đắng, tính hơi hàn, quy tâm và can, có tác dụng trục huyết ứ, hoạt huyết, rút mủ, lên da non, thông kinh, cường tráng. Cổ nhân thường nói “Nhất vị đan sâm , cộng đồng tứ vật thang” có nghĩa là một vị đan sâm cũng có tác dụng ngang với cả bài Tứ Vật Thang (một phương thuốc bổ huyết kinh điển của Đông y).
Công dụng của đan sâm:
Đan sâm có tác dụng chữa trị sự rối loạn tuần hoàn tim và não. Loại thảo dược này còn hiệu nghiệm trong điều trị chứng hồi hộp, đau nhói và thắt ngực, mất ngủ, vàng da và có tác dụng an thai.
- Giảm rối loạn tuần hoàn vi mạch, làm giãn các động mạch và tĩnh mạch nhỏ, mao mạch, tăng tuần hoàn vi mạch.
- Giảm mức độ nhồi máu cơ tim. Khi tiêm dẫn chất tanshinon II natri sulfonat, trong đó tanshinon II là một hoạt chất của đan sâm, vào động mạch vành sẽ làm giảm nhồi máu cơ tim cấp tính. Kích thước vùng thiếu máu mất đi hoặc giảm đáng kể.
- Ổn định màng hồng cầu, làm tăng sức kháng của hồng cầu nhờ dẫn chất tanshinon II natri sulfonat. Hồng cầu ủ với cao đan sâm có thể tăng khả năng kéo giãn và phục hồi hình dạng nhanh hơn so với hồng cầu không ủ với thuốc.
- Ức chế sự kết hợp tiểu cầu, chống huyết khối nhờ các hoạt chất miltiron và salvinon của đan sâm.
- Bảo vệ cơ tim, chống lại những rối loạn về chức năng và chuyển hóa gây ra bởi thiếu hụt oxy.
- Chống oxy hóa, loại bỏ các gốc tự do có hại cho cơ thể.
Nghiên cứu hiện đại cho thấy Đan sâm có tác dụng rất tốt trên tim mạch: làm giãn mạch và tăng lưu lượng động mạch vành tim, cải thiện vi tuần hoàn, phòng chống tích cực tình trạng thiếu máu và hoại tử cơ tim, nâng cao sức chịu đựng của tế bào cơ tim trong điều kiện thiếu oxy, điều chỉnh rối loạn lipid máu, ức chế và làm chậm quá trình hình thành các mảng xơ vữa động mạch, ức chế quá trình ngưng tập tiểu cầu, chống đông máu…
Tam thất
Cây Tam thất còn có tên khác là Sâm tam thất, Kim bất hoán, Nhân sâm tâm thất, Điền thất, được trồng tại Trung Quốc chủ yếu là ở tỉnh Vân Nam, Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Giang Tây. Tam thất có vị đắng ngọt, tính ấm, quy can và vị. Theo dược điển Việt Nam, Tam thất dùng trị thổ huyết, băng huyết, tan huyết ứ, thiếu máu nặng, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, ít ngủ. Theo một số tài liệu nước ngoài đã chứng minh, Tam thất giúp lưu thông tuần hoàn máu,giảm lượng cholesterol trong máu, hạ đường huyết, kích thích hệ miễn dịch, ức chế vi khuẩn và siêu vi khuẩn, chống viêm tấy, giảm đau… được dùng trong các trường hợp cao huyết áp, đau thắt ngực, đái tháo đường, các chấn thương sưng tấy đau nhức, suy giảm trí nhớ, ăn uống kém, ra mồ hôi trộm, lao động quá sức.
Sự kết hợp của Đan sâm và Tam thất cho bệnh tim mạch
Dựa trên tính năng của từng vị thuốc các nhà khoa học nhận thấy có thể kết hợp hai loại thảo dược trên nhằm mang lại hiệu quả cao nhất trong điều trị bệnh tim mạch. Đan sâm giúp giảm rối loạn tuần hoàn vi mạch, làm giãn các động mạch, ức chế sự kết tập tiểu cầu, chống lại những rối loạn về chức năng và chuyển hóa gây ra bởi thiếu hụt oxy . Tam thất làm tăng lưu lượng máu động mạch vành, đồng thời hạ huyết áp động mạch, giảm lượng oxy tiêu thụ của cơ tim. Tác dụng tăng lực, giảm đau, kích thích thần kinh, chống trầm uất.
Các bài thuốc về Đan sâm, Tam thất đã được sử dụng từ lâu đời để điều trị các bệnh về tim mạch, nhất là bệnh tim mạch vành, suy tim, nhồi máu cơ tim. Trong Đông Y, vẫn thường có sự kết hợp giữa hai dược liệu này với các nguyên liệu mới khác để mang lại được hiểu quả tốt, mở ra hướng đi mới cho những bệnh nhân tim mạch.
Theo Hà Linh