Giảm Ăn Muối
Là yêu cầu đầu tiên đối với bệnh nhân mắc tim mạch phải điều trị dài ngày. Trong giai đoạn bệnh ổn đinh, có thể chỉ cần giảm lượng muối dùng khi chế biến thức ăn và tránh sử dụng những thức ăn chứa nhiều muối như dưa muối, cà muối, trứng muối, cá biển, thực phẩm đóng hộp… Các thuốc lợi tiểu mà bệnh nhân phải dùng hàng ngày có tác dụng ức chế tái hấp thu natri ở ống thận đã giúp cho bệnh nhân có thể áp dụng một chế độ ăn giảm muối tương đối “lỏng lẻo” như chúng tôi vừa trình bày
Tuy nhiên, chế độ ăn giảm muối đơn giản này không áp dụng cho bệnh nhân đang trong giai đoạn suy tim nặng, nhất là khi bệnh nhân bị phù nhiều. Lúc này ngoài việc không sử dụng muối khi chế biến thức ăn còn phải loại bỏ tất cả thức ăn có nhiều muối natri ra khỏi khẩu phần ăn hàng ngày. Để thực hiện tốt, người bệnh cũng như những người thân trong gia đình nên nắm được hàm lượng muối natri có trong một số loại thức ăn mà chúng ta hay sử dụng (tính trên 100 gam thức ăn) :
Thịt | 30 – 60 mg |
Cá | 60 – 80mg |
Trứng | 130 mg |
Khoai tây, gạo, đậu cô ve, cà chua, đậu Hà Lan, cải bắp | < 5mg |
Cà rốt, đậu cô ve khô | 50 mg |
Bánh mì thường | 500 mg |
Bánh mì không muối | 10 mg |
Phô mai | 500-1200 mg |
Sữa toàn phần | 50 mg |
Hoa quả tươi | < 5mg |
Sô cô la | 12 mg |
Ăn không béo
Là chế độ ăn dành cho bệnh nhân suy vành và bệnh nhân mắc động mạch chi dưới. Người bệnh không nên uống sữa chưa tách bơ, ăn sô cô la, uống ca cao, ăn thịt có cánh, lòng đỏ trứng và các loại cá béo (cá hồi, cá trích, cá thu, cá ngừ), không dùng mỡ động vật, thịt lợn, thịt cừu, thịt vịt, thịt gà tây, thịt ngỗng. Nên dùng các loại dầu có nhiều axít béo không no như dầu ngô, dầu hướng dương hoặc dầu ô lưu khi chế biến thức ăn. Đồng thời với việc áp dụng chế độ ăn, người bệnh cần dùng các thuốc hạ lipides máu theo hướng dẫn của thày thuốc.
Tăng cường chất xơ
Chất xơ trong rau quả và những loại ngũ cốc thô như: gạo lức, bắp lức, các loại đậu có tác dụng chuyển hóa các chất béo và làm hạ huyết áp. Các loại rau củ và trái cây chứa nhiều chất có lợi cho sức khỏe được gọi là các flavonoid, hoạt động như các chất chống ôxi hóa và có thể giảm nguy cơ viêm nhiễm, ngăn ngừa bệnh tim mạch các hoa quả như: chuối, nho, cam… rất giàu vitamin và khoáng chất. Ngoài ra, hoa quả và rau xanh chứa rất nhiều chất xơ hòa tan giúp tăng lượng cholesterol tốt cho cơ thể, nhờ đó giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Một số loại rau lá xanh thẫm (rau muống, dền,…) có chứa folate và vitamin B9. Folate không chỉ đóng vai trò quan trọng bảo vệ tim mạch khỏe mạnh còn có thể làm giảm homocysteine trong máu, ngăn ngừa bệnh đột quỵ, giảm huyết áp….
Rượu bia, thuốc lá có hại đối với hệ tim mạch
Nhiều bệnh tim mạch và mạch máu não có liên quan đến việc uống rượu, gây gia tăng tỷ lệ bệnh và tỷ lệ tử vong. Trên thực tế, rượu có nhiều ảnh hưởng trên hệ tim mạch. Cả hai tình trạng nghiện rượu cấp tính hay nghiện rượu mãn tính đều ảnh hưởng đến huyết áp của người uống rượu. Nếu uống rượu nhiều và uống lâu dài có thể ảnh hưởng lên cơ tim, từ đó sẽ dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng như: rối loạn nhịp tim, rung nhĩ…
Thuốc lá là một trong các nguyên nhân chính gây ra bệnh tim mạch vành. Bên cạnh đó, nóảnh hưởng rất xấu đối với những người đã mắc bệnh tim mạch nói chung do chất nicotin trong thuốc lá có thể gây xơ vữa mạch, gây co thắt động mạch vành. Bắt buộc bạn phải cố gắng bằng mọi cách bỏ hút thuốc lá ngay khi biết mình bị bệnh tim mạch.
Thông thường, đối với người khỏe mạnh, năng lượng của khẩu phần ăn hàng ngày nên ở mức độ vừa phải (từ 2200 đến 2400 calo/ngày) và chia thành 3 bữa. Tuy nhiên, một điều chúng ta cần lưu ý rằng, tiêu hóa là một quá trình tiêu tốn năng lượng nên khi cơ thể tiêu hóa thức ăn, quả tim cũng cần phải làm việc nhiều hơn. Vì vậy, khẩu phần ăn nên có sự cân bằng giữa ba thành phần glucides (55%), lipides (30-35%), protides (13%) và chứa nhiều vitamines. Lượng nước đưa vào cơ thể không nên quá nhiều. Ăn giảm muối, không béo, giảm năng lượng là những chế độ ăn thường được áp dụng đối với các bệnh nhân tim mạch.
Theo Huy Dũng