Các triệu chứng biểu hiện bệnh lý tim mạch rất phong phú bao gồm các triệu chứng của tim, của động mạch, tĩnh mạch và các rối loạn vận mạch. Không có triệu chứng nào là đặc hiệu, vì vậy việc chuẩn đoán phải dựa vào bệnh cảnh lâm sàng và các xét nghiệm kèm theo. Các triệu chứng hay gặp nhất trong bệnh tim mạch bao gồm: khó thở, đau ngực, ngất, đánh trống ngực, phù, tím, cơn đau cách hồi…
bệnh tim thường có các biểu hiện như đau thắt ngực, khó thở, đánh trống ngực…
Sau đây là thống kê những bệnh tim mạch thường gặp nhất theo nhiều khảo sát và nghiên cứu trên thế giới:
Tăng huyết áp
Tổ chức Tăng huyết áp Thế giới và Ủy ban Quốc gia Cộng lực Hoa kỳ (1997) đều thống nhất một người lớn bị tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu trên hoặc bằng 140mmHg và hoặc huyết áp tâm trương trên hoặc bằng 90mmHg.
Định nghĩa này đơn giản nhưng có nhược điểm là trị số huyết áp không hoàn toàn ổn định và huyết áp thay đổi theo tuổi, giới…
Tăng huyết áp là triệu chứng của nhiều bệnh, nhiều nguyên nhân nhưng có thể là một bệnh, bệnh tăng huyết áp, nếu không tìm thấy nguyên nhân. Ở các nước Châu Âu – Bắc Mỹ tỷ lệ tăng huyết áp trong nhân dân chiếm 15 – 20% ở người lớn. Cụ thể như sau: Benin 14%- Thái lan: 6.8%- Zaire:14%- Chile: 19-21%, Bồ Đào Nha: 30%, Hoa kỳ: 6-8%. Nhìn chung tỉ lệ rất thay đổi. Ở Việt Nam, tỷ lệ tăng huyết áp chung là 11,8% (Bộ Y Tế Việt Nam, 1989). Tỉ lệ này gia tăng đáng quan tâm vì trước 1975 tỉ lệ này ở miền Bắc Việt nam chỉ có 1-3%(Đặng Văn Chung). Tại BVTW Huế năm 1980 tỉ lệ tăng huyết áp trong số các bệnh nội khoa chỉ có 1% nhưng 10 năm sau, năm 1990, đã tăng đến 10%. Thống kê gần đây nhất của Viện Tim Mạch tại Miền Bắc Việt Nam cho thấy tỷ lệ tăng huyết áp là 16,3% (2002).
Suy tim
Suy tim là trạng thái bệnh lý, trong đó cơ tim mất khả năng cung cấp máu theo nhu cầu cơ thể, lúc đầu khi gắng sức rồi sau đó cả khi nghỉ ngơi.
Quan niệm này đúng cho đa số trường hợp, nhưng chưa giải thích được những trường hợp suy tim có cung lượng tim cao và cả trong giai đoạn đầu của suy tim mà cung lượng tim còn bình thường.
Tại châu Âu trên 500 triệu dân, tần suất suy tim ước lượng từ 0,4 – 2% nghĩa là có từ 2 triệu đến 10 triệu người suy tim. Tại Hoa Kỳ, con số ước lượng là 2 triệu người suy tim trong đó 400.000 ca mới mỗi năm. Tần suất chung là khoảng 1-3% dân số trên thế giới và trên 5% nếu tuổi trên 75. Tại nước ta chưa có thống kê chính xác, nhưng nếu dựa vào số dân 70 triệu người thì có đến 280.000 – 4.000.000 người suy tim cần điều trị.
Tai biến mạch máu não
Não là một trong những cơ quan nhận máu nhiều của hệ tuần hoàn và các tế bào thần kinh là những tế bào nhạy cảm với tình trạng thiếu oxy nhất. Chỉ cần thiếu oxy 5 phút là các tế bào não sẽ chết và không có khả năng hồi phục.
Các thể bệnh tai biến mạch máu não hay gặp nhất còn gọi là đột quỵ bào gồm: co thắt mạch máu não, thiếu máu não thoáng qua, nhồi máu não, vỡ mạch máu não… Và nặng nhất là xuất huyết ồ ạt gây ngập não thất làm cho bệnh nhân tử vong trong vòng 1 – 2 giờ đồng hồ.
Các dấu hiệu dễ nhận thấy nhất là bệnh nhân bị đau đầu dữ dội, chóng mặt, tay chân yếu hoặc liệt và đi vào hôn mê. Khả năng phục hồi của bệnh nhân phụ thuộc nhiều vào thể tai biến. Ở những thể nặng, bệnh nhân hôn mê sâu tỉ lệ tử vong lên đến trên 50%.
Việc đề phòng quan trọng nhất là phải phát hiện sớm bệnh cao huyết áp và tình trạng xơ vữa động mạch, để điều trị tốt. Cần phải thận trọng với những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao như tuổi trên 50, béo phì, hút thuốc lá, đái tháo đường…
Bệnh thiếu máu cơ tim mãn tính
Bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính còn được gọi là đau thắt ngực ổn định hoặc suy vành. Đây là loại bệnh khá thường gặp ở các nước phát triển và có xu hướng gia tăng nhanh chóng ở các nước đang phát triển. Do đó biết được những thông tin cơ bản về căn bệnh này để phát hiện sớm, điều trị kịp thời và phòng tránh hiệu quả là điều vô cùng cần thiết.
Bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính xảy ra do động mạch vành bị hẹp làm hạn chế cung cấp máu, oxy và chất dinh dưỡng cho tim.
Triệu chứng điển hình của bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính là đau thắt ngực. Cơn đau thường bắt đầu ở sau xương ức và là một vùng (chứ không phải một điểm), đau có thể lan lên cổ, vai, tay, hàm, thượng vị, sau lưng. Hay gặp hơn cả là hướng lan lên vai trái rồi lan xuống mặt trong tay trái, có khi xuống tận các ngón tay.
Người bệnh thường cảm thấy đau thắt ngực khi gắng sức, ăn quá nhiều, hút thuốc lá, bị lạnh hoặc xúc động mạnh. Một số trường hợp cơn đau thắt ngực có thể xuất hiện về đêm, khi thay đổi tư thế hoặc kèm cơn nhịp nhanh.
Hầu hết người bệnh mô tả cơn đau thắt ngực như thắt lại, nghẹt, rát, bị đè nặng trước ngực và đôi khi cảm giác buốt giá. Một số bệnh nhân có thể bị khó thở, mệt lả, đau đầu, buồn nôn, vã mồ hôi…
Cơn đau kéo dài vài phút, có thể dài hơn nhưng không quá 20 phút (nếu đau kéo dài hơn và xuất hiện ngay cả khi nghỉ thì cần nghĩ đến cơn đau thắt ngực không ổn định hoặc nhồi máu cơ tim).
Hở van hai lá
Hở van hai lá sẽ xảy ra khi van hai lá không đóng chặt, cho phép máu chảy ngược. Van hai lá nằm giữa hai buồng trái của tim, cho phép máu lưu chuyển qua van tim khi nhịp tim bình thường. Hở van hai lá còn được gọi là suy van hai lá hoặc bất thường van hai lá.
Khi van hai lá không hoạt động đúng, máu không thể di chuyển qua tim hoặc đi đến phần còn lại của cơ thể một cách hiệu quả. Hở van hai lá có thể gây mệt mỏi và khó thở.
Điều trị hở van hai lá phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng, khả năng trở nên tệ hơn và các dấu hiệu và triệu chứng. Đối với trường hợp nhẹ, điều trị có thể không cần thiết. Có thể cần phẫu thuật tim để sửa chữa hoặc thay thế van cho nhiều trường hợp nặng. Nếu không điều trị, bệnh hở van hai lá có thể gây ra suy tim hoặc các vấn đề nhịp tim nghiêm trọng (loạn nhịp tim).
Hẹp van động mạch chủ
Hẹp van động mạch chủ (ĐMC) là tình trạng tắc nghẽn sự tống máu của thất trái do diện tích lỗ van ĐMC giảm. Hẹp van ĐMC chiếm 1/4 số các bệnh nhân van tim. 80% các bệnh nhân hẹp van ĐMC là nam giới.
Nguyên nhân hẹp van ĐMC là:
Hẹp van ĐMC do thấp tim: thường gặp ở Việt Nam. Dày lá van nhất là tại bờ van, xơ hóa, vôi hóa, dính các lá van vào mép van ĐMC.
Thường phối hợp với hở chủ hoặc phối hợp với bệnh van hai lá do thấp như hẹp van hai lá, hở van hai lá, hẹp hở van hai lá.
Hẹp van ĐMC do thoái hóa và vôi hóa: hay gặp ở người lớn tuổi. Thường đi kèm với những rối loạn chuyển hóa calci và/hoặc những yếu tố nguy cơ của bệnh vữa xơ động mạch như tuổi cao, nam giới, hút thuốc lá, đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu…
Hẹp van ĐMC bẩm sinh: thường gặp là bệnh van ĐMC có hai lá van, van thường thoái hóa và vôi sớm. Ngoài ra, còn gặp: van ĐMC một cánh, dính lá van ĐMC… (ít gặp).
Hẹp van hai lá
Hẹp van hai lá là một bệnh khá phổ biến ở nước ta chiếm khoảng 40,3% các bệnh tim mắc phải. Bệnh được phát sinh ở loài người từ khi bắt đầu sống thành từng quần thể do điều kiện sinh sống thấp kém, chật chội thiếu vệ sinh dễ gây lây nhiễm bệnh. Từ 1887 Bouillaud rồi Sokolski đã mô tả bệnh. Đến 1920 Duckett Jones (Hoa kỳ) đã nghiên cứu bệnh này và đến 1944 ông mới công bố bảy tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh. Cũng những năm này Cutter và Levine Phillipe (Hoa kỳ) tìm cách phẫu thuật hẹp van hai lá đồng thời trong năm đó Souttar tại Anh cũng đã mổ được hẹp van hai lá. Giai đoạn này bệnh hẹp van hai lá là bệnh tim mạch phổ biến nhất, gây tàn phế và tử vong nhiều.
Từ năm 1944 việc phát minh ra Penixillin diệt các loại liên cầu và đặc biệt tạo ra loại Penixillin chậm (Benzathyl Penixillin) có tác dụng phòng ngừa bệnh này do đó đến nay ở các nước phát triển như Thụy điển, Hà lan và Đức bệnh thấp tim gần như mất hẳn.
Tuy vậy, ở các nước chậm phát triển bệnh này còn đang phổ biến. Bệnh hay gặp ở tuổi lao động 20 – 30 tuổi tỷ lệ bệnh hẹp hai lá rất cao khoảng 60 – 70 %, tỷ lệ tử vong đến 5%. Bệnh có nhiều biến chứng phức tạp và đưa đến tàn phế. Bệnh gặp ở nữ nhiều hơn nam (3/1) và ở nông thôn mắc nhiều hơn thành thị.
theo Uy Phong
0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Các bình luận
Inline Feedbacks
View all comments
×
Đăng ký thành công!
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x